Một khảo sát của LendingTree mới đây cho thấy gần 80% người tiêu dùng hiện coi thức ăn nhanh là "món hàng xa xỉ" do giá cả tăng cao.
Trong thập kỷ qua, giá thức ăn nhanh đã tăng trung bình 47%, gần gấp đôi tỷ lệ lạm phát. Một số mặt hàng, như món hamburger Big Mac của McDonald's, thậm chí còn tăng mạnh tới 70%. Bất chấp điều đó, các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của Mỹ vẫn “ăn nên làm ra” với doanh thu gần 400 tỷ USD. Tuy nhiên, giá cả tăng cũng khiến một số thực khách hạn chế lui tới, với hơn 60% số người được khảo sát cho biết họ đã sốc với hoá đơn thức ăn nhanh của mình.
Nhằm lôi kéo khách hàng quay trở lạ, một số chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh như McDonald's, Burger King và Wendy's đã tung ra nhiều ưu đãi. Mặc dù chiến lược này có thể làm tăng lượng khách ghé mua nhưng cũng làm thu hẹp biên lợi nhuận, đặc biệt đối với những cửa hàng nhượng quyền địa phương.
Bên cạnh đó, chi phí lao động tăng cao cũng góp phần vào những thách thức của ngành thức ăn nhanh. Đơn cử như việc tiểu bang California gần đây đã áp đặt mức lương tối thiểu 20 USD/h cho nhân viên làm việc trong các cửa hàng thức ăn nhanh, qua đó gây áp lực lên chi phí vận hành. Mức lương này đồng nghĩa mỗi nhân viên sẽ được hưởng khoảng 50,000 USD/năm. Nếu một cửa hàng có tới 30 đến 40 nhân viên, chi phí trả lương cho người lao động sẽ tăng vọt.
Trong tương lai, tự động hóa được dự đoán sẽ đóng vai trò quan trọng giúp cắt giảm chi phí, song cũng làm sụt giảm số việc làm trong ngành kinh doanh thức ăn nhanh. Một số chuyên gia dự báo áp lực tài chính có thể buộc một số nhà hàng phải đóng cửa.